BÉ ĂN DẶM VÀ NHỮNG LƯU Ý CHO MẸ

Nguyễn Anh Tín
Th 2 27/06/2022

Ăn dặm là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong quá trình phát triển của bé. Nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua những khuyến cáo khoa học mà cho con ăn dặm theo ý mình hoặc những lời rỉ tai vô căn cứ. Vô hình chung, điều này lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con trẻ. Để tình trạng này không xảy ra, hãy tham khảo ngay những lưu ý khi cho bé ăn dặm trong bài viết sau để đảm bảo con yêu nhận đủ các dưỡng chất cần thiết: 

1. Cho bé ăn dặm phải lựa thời điểm thích hợp:

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu được cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi (180 ngày sau sinh). Đây là thời điểm cần bổ sung ăn dặm cho trẻ bởi:
- Hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ.
- Tốc độ tăng trưởng của trẻ tăng lên, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu cho bé. 
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm một số yếu tố để bé bắt đầu ăn dặm, bé cần phải có khả năng ngồi vững (với sự hỗ trợ từ người lớn), quay đầu các hướng thoải mái và có thể nhai nuốt thức ăn tốt.

2. Bạn vẫn nên cho bé uống sữa mẹ hoặc sữa bột:

Trẻ em thường không thể ăn nhiều thức ăn rắn ngay lập tức. Vì vậy, hãy nghĩ rằng thức ăn rắn ở giai đoạn này sẽ là một món thêm vào, chứ không phải là sự thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ hoặc sữa công thức. Hãy nhớ rằng, bạn đang tập cho bé ăn dặm chứ không phải thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống của bé.

3. Bắt đầu cho bé ăn dặm bằng ngũ cốc:

Bạn không cần phải quá cứng nhắc trong việc chọn thực phẩm rắn cho bé. Bạn có thể bắt đầu bằng ngũ cốc ăn dặm cho bé đã được tăng cường chất sắt dành riêng cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn như ngũ cốc với thành phần nhiều loại hạt bổ dượng để bé có thể dễ dàng mà bổ dưỡng. Bạn có thể trộn chúng với sữa bột hoặc sữa mẹ cho đến khi bé quen dần với loại thức ăn mới này.

4. Hãy cho bé thời gian để làm quen với thức ăn mới:

Đối với chúng ta việc ăn thức ăn rắn là một điều hết sức tự nhiên, nhưng đây lại là một điều hết sức mới mẻ với bé bởi cho đến lúc này, bé chỉ có thể uống chất lỏng. Bé sẽ cần thời gian để làm quen với muỗng và cả cảm giác có thức ăn rắn trong miệng. Vì vậy, đừng mong đợi bé sẽ ăn rất nhiều hoặc toàn bộ mà hãy biết rằng bé chỉ có thể ăn một hoặc hai muỗng cà phê tại một thời điểm mới bắt đầu. Thay vì cố gắng để bé ăn được một lượng cụ thể thì lưu ý khi cho trẻ ăn dặm là hãy tập cho bé làm quen với trải nghiệm mới này trước.

5. Cho bé bắt đầu ăn dặm với trái cây và rau củ quả cùng lúc:

Trái cây, rau quả, ngũ cốc và thậm chí cả các loại thịt xay nhuyễn nên có mặt trong thực đơn ăn dặm của bé. Bạn có thể để bé ăn tất cả chúng cùng một thời gian để xem xét phản ứng của bé. Nếu bé không ăn vào lúc đầu, hãy thử lại vào lần sau. Hãy báo cho bác sĩ nhi khoa biết nếu bạn nghĩ con mình có thể bị dị ứng thực phẩm. Bạn nên cho bé ăn thức ăn mềm dành riêng cho trẻ hoặc làm mềm thức ăn bằng cách đun nóng hay nghiền nhừ. Bạn cũng có thể đặt thức ăn với lượng vừa đủ trên muỗng cho bé ăn dặm nuốt dễ dàng hơn.

6. Tránh sữa và mật ong:

Hầu hết các bác sĩ nhi khoa cho rằng bạn nên đợi cho đến khi bé được một tuổi mới bắt đầu cho bé uống sữa bò. Nguyên nhân là bởi một số trẻ có thể khó tiêu hóa ngay. Ngoài ra mẹ cần lưu ý không cho mật ong vào sữa cho trẻ nhỏ hơn một tuổi bởi điều này có thể tăng cao nguy cơ ngộ độc bởi hệ thống miễn dịch của bé vẫn còn đang phát triển.

7. Ngừng cho bé ăn dặm ngay khi con không muốn ăn nữa: 

Bé sẽ cho bạn biết khi nào muốn ngừng ăn. Đó là lúc nhè thức ăn vào muỗng, quay đầu đi nơi khác, bặm môi thật chặt hoặc nhổ ra bất cứ thứ gì bạn đặt trong miệng của bé hay khóc ré lên. Đừng ép trẻ ăn nhiều hơn những gì bé muốn. Trẻ em sẽ ăn khi đói và dừng lại khi đã no. Một khi hiểu được điều này thì bạn sẽ tránh được việc ép bé ăn quá nhiều và điều này rất có lợi khi bé lớn lên.

8. Đừng ép bé ăn: 

Chỉ vì bé không thích một món ăn mới không có nghĩa bé có tật “kén cá chọn canh” mãi mãi. Hãy chờ một vài ngày và thử lại. Điều này sẽ cho bé có nhiều thời gian hơn để thích nghi với món ăn mới. Hãy nhớ rằng, bạn chính là hình mẫu cho bé, vậy nên con bạn sẽ cảm thấy thích thú với món thực phẩm hơn nếu bé thấy bạn ăn một cách thích thú. Tuy nhiên, bạn đừng ép buộc trẻ ăn và đừng dùng các món đồ chơi khác cho mục đích “hối lộ” để bé ăn thực phẩm mới.

9. Làm quen với bãi chiến trường phải thu dọn khi cho bé tập ăn dặm: 

Khi lớn lên, bé sẽ cố gắng tự học cách ăn. Bạn nên chuẩn bị thật tốt cho bữa ăn của bé bằng cách đeo yếm che cho con hoặc đặt khay nhựa trên ghế cao để bé ngồi ăn dặm dễ dàng. Hãy tìm hiểu và học cách cho bé ăn thực phẩm rắn và tăng cường xúc giác cho trẻ. Bạn có thể đặt một tấm thảm dưới ghế của bé để hứng thức ăn vương vãi, cho bé ăn mặc phù hợp và quan trọng nhất là hãy trang bị cho mình đức tính kiên nhẫn bởi giai đoạn này sẽ không kéo dài mãi mãi.

10. Hãy cho bé ăn bằng tay khi bé sẵn sàng:

Khi bé được 9 tháng tuổi, bé đã có thể chọn những miếng đồ ăn nhỏ mềm để ăn. Tuy vậy bạn vẫn cần phải dùng muỗng múc thức ăn cho bé trong một thời gian và tiếp tục cho bé uống sữa bột hoặc sữa mẹ. Một số thức ăn cầm tay (finger food) tuyệt vời bao gồm chuối chín, cà rốt, phô mai, mì nấu chín, ngũ cốc khô và trứng. Để tránh tình trạng bé bị nghẹt thở, bạn không nên cho bé ăn thực phẩm cứng, khó nuốt như kẹo cứng, khoai tây chiên, rau sống, nho hoặc nho khô, pho mát cứng và cả xúc xích.

Nguồn: hellobacsi - Internet

Viết bình luận của bạn