CÁC TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA RAU DỀN
Nguyễn Mai Hà Thư
Th 2 18/07/2022
Rau dền là nguồn dinh dưỡng thực vật khá phổ biến trong bữa ăn của mọi gia đình. Rau có vị ngọt, mát đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thành phần sắt trong rau dền chiếm hàm lượng khá cao. Sử dụng rau dền có thể giúp giảm viêm, tốt cho xương, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường...
1. Các thông tin chung về rau dền
Rau dền là loại rau mùa hè phổ biến trong các bữa ăn của mọi gia đình, ngoài công dụng làm mát gan, thanh nhiệt, loại rau này còn được biết đến như một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh.
Rau dền đa dạng về chủng loại. Trong đó, phổ biến nhất là các loại như: rau dền đỏ, rau dền cơm, rau dền gai,...
- Rau dền đỏ: Rau dền đỏ có thân và lá đều có màu đỏ tía, mọng nước, nấu chóng nhừ, khi nấu chín nước nấu có màu đỏ tươi rất đẹp mắt. Loại dền này chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng.
- Rau dền cơm: với loại rau này thường có hoa ở ngọn. Phần lớn các ngọn non của cây, lá non, thân non đều có thể sử dụng để ăn được. Ngoài ra, những phần rễ, củ, thân cây có thể dùng là thuốc cổ truyền vì thành phần dinh dưỡng ở những vị trí này khá tốt cho hoạt động của cơ thể.
- Rau dền gai: loại rau dền này thường mọc ở những nơi hoang dại hay vùng đất bị bỏ hoang. Với loại cây này có khẳ năng chịu hạn, chịu nước tốt đồng thời có khả năng nảy mầm cao trong điều kiện không hoàn toàn thuận lợi.
2. Các tác dụng của rau dền
2.1. Tốt cho xương khớp
Rau dền chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hàm lượng canxi trong rau khá cao mà ít loại rau củ nào có được. Theo thống kê, rau dền có hàm lượng canxi nhiều gấp ba lần so với rau bó xôi và hai lần so với sữa.
Do đó, đây là một trong những loại siêu thực phẩm giúp tăng cường độ cứng của xương, làm giảm nguy cơ loãng xương và bệnh co giật do thiếu hụt canxi.
2.2. Giảm viêm
Những nghiên cứu mới đây cho thấy rau dền có chứa một chuỗi peptit nhất định, có khả năng giảm tình trạng viêm sưng trên cơ thể, thậm chí giúp ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do tấn công các tế bào khỏe mạnh.
Những phân tử chống viêm có trong loại rau này cũng có thể giúp làm dịu các triệu chứng viêm khớp, bệnh gout và các vấn đề liên quan đến tình trạng viêm sưng khác.
2.3. Tốt cho bệnh tiểu đường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn rau dền thường xuyên sẽ giúp ổn định đường huyết, điều này rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Loại rau này còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng tăng lượng đường trong máu như béo phì.
2.4. Ngăn ngừa các vấn đề răng miệng
Tác dụng của rau dền giúp làm giảm các biến chứng răng miệng như đau, sưng lợi, viêm họng hay viêm loét miệng.
2.5. Ngừa bệnh tim mạch
Rau dền còn có khả năng làm giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, tocotrienol – một loại vitamin E có trong loại rau này cũng giúp loại bỏ cholesterol xấu và ngăn ngừa bệnh mạch vàng.
2.6. Cải thiện chứng thiếu máu
Việc thiếu hụt chất sắt trong cơ thể có thể gây ra hiện tượng thiếu máu. Hàm lượng sắt dồi dào trong rau dền có vai trò gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu, rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
2.7. Cải thiện hệ tiêu hóa
Rau dền chứa hàm lượng chất xơ cao (gấp 3 lần so với lúa mì). Do đó, nó có thể giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Đây còn là loại rau rất tốt cho trẻ em và người lớn tuổi. Nước nấu từ lá cây dền tươi còn hỗ trợ điều trị tiêu chảy, xuất huyết và mất nước. Ngoài ra, cùng với nước ép cà rốt, các tính năng tẩy sạch của nước ép củ dền rất hiệu quả trong việc chữa các bệnh liên quan đến túi mật và thận.
2.8. Ngăn ngừa ung thư
Rau dền chứa một loại axit amin gọi là lysine. Chất này cùng với các khoáng chất (kali, phốt pho, magiê, sắt,…) và vitamin C, E trong rau giúp ngăn ngừa các gốc tự do gây lão hóa và dẫn đến sự hình thành các tế bào ung thư.
3. Những món ăn chế biến từ rau dền hoặc củ dền
3.1. Canh rau dền
Có thể sử dụng rau dền kết hợp nấu với tôm nõn để tạo thành một món ăn cho mùa hè giúp giải nhiệt, mát gan, đồng thời giảm được các triệu chứng của nhức đầu, chóng mặt,…
3.2. Rau dền xào tỏi
Đối với rau dền đỏ xào tỏi ngoài việc cung cấp chất xơ từ rau dền, còn bổ sung các thành phần dinh dưỡng đặc biệt từ tỏi làm cho món ăn trở nên bổ dưỡng và hấp dẫn.
3.3. Canh củ dền
Vị ngọt tự nhiên từ củ dền được nấu kèm với cải thảo, thịt nạc xay hoặc nấu với nước hầm xương cùng cà rốt ăn rất ngon miệng và có tác dụng bổ máu, cung cấp sắt.
3.4. Nước ép củ dền
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford Brookes tại Anh đã phát hiện rằng một ly ép nguyên chất (1 shot) củ dền có tổng số chất chống oxy hóa và polyphenol cao (polyphenols hoạt động như chất chống oxy hóa ngăn chặn hoạt động của các enzyme mà tế bào ung thư cần). Chất chống oxy hóa từ củ dền cũng dễ hấp thu (bioaccessible) hơn các loại nước ép khác.
4. Một số bài thuốc đông y được sử dụng với rau dền
- Bài thuốc giúp nhuận tràng: sử dụng 1 nắm rau dền đỏ, nhặt sạch và rửa, để ráo nước. Sau đó luộc sôi trong 3 phút. Vớt rau trộn cùng với dầu vừng hoặc bột vừng đen. Sử dụng hỗn hợp này ăn cùng với cơm sẽ có tác dụng tốt các trường hợp táo bón.
- Bài thuốc giúp cải thiện tình trạng huyết áp: sử dụng 20 gam rau dền đỏ, kết hợp với 20 gam lá mã đề non, 20 gam lá dâu bánh tẻ. Rửa sạch toàn bộ và cho vào nồi nấu canh. Sử dụng canh này trong các bữa ăn hàng ngày giúp điều chỉnh huyết áp.
- Bài thuốc chữa huyết nhiệt sinh lở ngứa: sử dụng 20 gam rau dền đỏ cùng với 12 ga kim ngân, 16 gam ké đầu ngựa, 16 gam cảm thảo đất. Tất cả đều được rửa sạch sau đó cho vào ấm cùng với 750ml đun sôi đến còn 250ml sau đó chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa nóng trong cho phụ nữ sau sinh: sử dụng 50 gam rau dền đỏ, sau đó rửa sạch, thái khúc và nấu lấy nước bỏ bã. Sử dụng nước nấu với gạo nếp thành cháo ăn hàng ngày.
- Bài thuốc thanh nhiệt, kích thích hệ tiêu hoá: sử dụng 100 gam rau dền đỏ, 50 gam rau dền cơm, 50 gam rau dệu, 50 gam rau đay. Rửa sạch và nấu chín với bột canh hoặc bột tôm để có món canh ăn hàng ngày.
Nguồn: VinMec, Hello Bacsi.