NGƯỜI BỊ MÁU NHIỄM MỠ NÊN ĂN GÌ?
Nguyễn Mai Hà Thư
Th 6 16/09/2022
Hiện nay, bệnh rối loạn mỡ máu đang rất phổ biến. Rối loạn mỡ máu là bệnh không phân biệt béo gầy, già trẻ. Người gầy, người trẻ hoàn toàn có thể mắc rối loạn lipid máu nếu có chế độ ăn uống không lành mạnh như: ăn nhiều nội tạng động vật, thức ăn nhiều cholesterol, lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá, lười vận động,…
1. Rối loạn mỡ máu là gì?
Mỡ máu cao thực chất là tình trạng rối loạn mỡ máu, trong đó có bất thường về nồng độ cũng như tính chất của các thành phần lipid máu như: Tăng cholesterol hoặc tăng triglycerid, tăng LDL-C (Cholesterol xấu), giảm HDL-C (Cholesterol tốt),...
Tăng Cholesterol lâu ngày có thể dẫn đến vôi hóa, xơ vữa động mạch, gây tắc mạch. Dẫn đến người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...Triglyceride có liên quan với bệnh viêm tụy. Ngoài ra, rối loạn lipid máu hay đi kèm với nhiều bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và bệnh gout,... Bệnh nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.
Điều trị rối loạn lipid máu phải kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc. Trong đó thay đổi lối sống thường được khuyến cáo đầu tiên, bao gồm tăng cường vận động thể lực, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý.
2. Bệnh mỡ máu cao nên ăn gì?
Người bị bệnh mỡ máu cao được khuyến cáo ăn nhiều loại thực phẩm. Nên điều chỉnh năng lượng tiêu thụ để tránh thừa cân béo phì
2.1. Chất xơ và vitamin
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa rối loạn mỡ máu, có tác dụng loại bỏ một phần chất béo và cholesterol hấp thụ vào cơ thể. Khi bị rối loạn mỡ máu, người bệnh nên bổ sung nhiều chất xơ có trong rau, củ, các loại hoa quả,...
Ngoài ra, người bị bệnh mỡ máu cao cũng cần tăng cường bổ sung vitamin - một nhân tố quan trọng giúp giảm thiểu hàm lượng cholesterol. Một số thực phẩm giàu chất xơ và vitamin đặc biệt tốt cho người bị bệnh tim mạch như: rau xanh, giá đỗ, hoa quả (táo, nấm hương, hành tây), các loại ngũ cốc nguyên hạt.
2.2. Axit béo chưa no có nhiều nối đôi
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, axit béo chưa no có nhiều nối đôi như Omega 3, Omega 6 không những có tác dụng làm giảm cholesterol mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, đồng thời giúp điều chỉnh huyết áp. Do đó, để cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu, người bệnh nên chú ý đến nhiều loại cá và dầu có nguồn gốc thực vật chứa nhiều axit không no.
Nên ăn cá từ 2 - 3 lần/ tuần, sử dụng dầu lạc, dầu olive thay cho mỡ, ăn các loại hạt có dầu như lạc, vừng, hạt dẻ, hạt bí ngô, các loại cá để cung cấp các axit béo không no nhiều nối đôi.
2.3. Các loại thịt trắng
Nên sử dụng các loại thịt trắng như gà, vịt, ngan - thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp thay cho các loại thịt đỏ chứa nhiều cholesteron.
2.4. Nước
Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình bài tiết, nhờ đó các chất độc hại được tăng cường loại ra khỏi cơ thể. Do đó, người bị bệnh mỡ máu cao nên chú ý uống đầy đủ nước để thanh lọc cơ thể.
3. Bệnh mỡ máu cao nên kiêng ăn gì?
3.1. Thực phẩm có hàm lượng Cholesterol cao
Cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là não, da, gan, nội tạng động vật, trứng gà, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol. Người bệnh cần giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn vì đây là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật,...
3.2. Chất béo (lipid) no
Chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân mỡ máu.
3.3. Hạn chế ăn tối muộn
Khoảng thời gian ban đêm là lúc năng lượng tiêu hao ít nhất trong ngày, do cơ thể không còn vận động nhiều. Việc ăn tối quá muộn có thể khiến cho năng lượng nạp vào không kịp tiêu hóa, tổng hợp lại thành cholesterol tích tụ trong các mô mỡ, thành mạch... Tình trạng này lâu ngày có thể gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian ăn tối sớm, kết hợp tập thể dục điều độ để hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.
3.4. Đồ uống có cồn
Bệnh nhân bị mỡ máu cao cần hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các loại đồ uống có cồn, là nguyên nhân chính gây tăng triglyceride.
3.5. Đường
Hạn chế sử dụng đồ uống, thực phẩm chứa đường, đặc biệt là nước ngọt, để tránh quá cân béo phì, và giảm triglyceride.
3.6. Thuốc lá
Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc lá có thể giúp cải thiện chỉ số cholesterol HDL-c, và ngăn ngừa nguy cơ tim mạch
3.7. Muối
Nên giảm lượng muối xuống dưới 6g/ngày bằng cách tránh muối bột, hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn bằng cách chọn những thực phẩm tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
Nguồn: VinMec.