NGƯỜI MẮC BỆNH GOUT NÊN ĂN GÌ?

Nguyễn Mai Hà Thư
Th 4 03/08/2022

Bệnh Gout (còn gọi là gút hay thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.

 

1. Bệnh gout là gì?

Bệnh Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá liên quan đến ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric.

Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần dẫn đến biến dạng, cứng khớp.  Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi 40 trở lên, thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.

2. Đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh Gout

  • Nam giới sau tuổi 40: Theo nghiên cứu, có đến hơn 80% người bệnh gout là nam giới từ 40 tuổi trở lên, việc có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Phụ nữ ở tuổi mãn kinh: Ở tuổi mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là rối loạn estrogen, đây là hormon chính giúp thận bài tiết acid uric ra ngoài.
  • Di truyền: Nghiên cứu cho thấy có trên 5 loại gen di truyền có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và người có tiền sử gia đình bị bệnh có nguy cơ cao hơn những người bình thường.
  • Lối sống không lành mạnh: Tình trạng lạm dụng rượu bia sẽ cản trở việc loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể và chế độ ăn nhiều purin cũng làm tăng lượng acid uric trong cơ thể.
  • Đang sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể như: thuốc lợi tiểu, thuốc có chứa salicylate…
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh vì có nhiều mô cơ thể luân chuyển hơn, đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều acid uric hơn dưới dạng chất thải chuyển hóa.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Suy thận và các bệnh lý về thận có thể gây ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ các chất thải của cơ thể, dẫn đến nồng độ acid uric tăng cao. Các bệnh khác liên quan đến bệnh gút có thể kể đến như tăng huyết áp, tiểu đường…

3. Người bị bệnh gout nên ăn gì?

  • Trái cây

Tất cả các loại trái cây như dâu, táo, cherry,… đều tốt cho bệnh nhân, cung cấp nhiều vitamin.

  • Thực phẩm giàu Vitamin C

Vitamin C hỗ trợ rất tốt trong quá trình giảm nồng độ axit uric trong máu, chống viêm, chống oxy hóa, tăng sức đề kháng và sức bền cho thành mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh. Nên ăn những loại quả có tính chua nhẹ như: ổi, dứa, ớt chuông, súp lơ…

  • Thịt trắng

Thịt trắng như thịt cá sông, thịt gà ức,… chứa hàm lượng chất đạm cao nhưng rất ít purin. Những loại thịt như cá lóc, cá diêu hồng, cá rô đồng, ức gà rất tốt cho người bệnh gút, có tác dụng chống quá trình kết tủa của axit uric. Nên sử dụng hàm lượng thịt trắng 110 – 170g/ngày.

  • Dầu oliu, dầu thực vật

Dầu ô liu và dầu thực vật chứa chất béo tốt, hỗ trợ chống viêm khớp, giảm sưng đau và giảm axit uric. 

  • Trứng

Trứng chứa rất ít purin, cung cấp nhiều canxi cho xương nên người bệnh có thể sử dụng thay thế trong các bữa ăn vẫn đảm bảo được hàm lượng chất dưỡng cần, vì đã hạn chế dùng thịt. 

  • Rau củ

Rau củ rất tốt cho những bệnh nhân đang điều trị bệnh gút, nên bổ sung các loại rau củ trong bữa cơm hằng ngày như: cải xanh, rau ngót, khoai tây, đậu hà lan, nấm, cà tím,…

  • Ngũ cốc nguyên cám

Yến mạch, gạo lứt, lúa mạch,… chứa nhiều chất xơ, giúp ức chế tình trạng các khớp bị viêm do gút.