NHỮNG ĐIỀU MẸ BẦU CẦN LƯU Ý TRONG SUỐT THAI KỲ
Nguyễn Mai Hà Thư
Th 6 19/08/2022
Mang thai là hành trình đầy mệt nhọc nhưng cũng tràn ngập hạnh phúc của người mẹ. Nhất định mẹ phải nắm được những lưu ý trong suốt quá trình mang thai để bầu bí an toàn, suôn sẻ.
1. Trong 3 tháng đầu tiên
- Những vấn đề gặp phải
Trong 3 tháng đầu mang thai, cơ thể bạn có thể sẽ rất mệt mỏi do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Ốm nghén là tình trạng mà phần lớn bà bầu sẽ gặp trong giai đoạn này. Ngoài ra, do lúc này tử cung chưa đẩy lên khỏi khung xương chậu nên gây sức ép tới bàng quang khiến bạn thường xuyên mót tiểu và mất ngủ.
- Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung axit folic là việc rất quan trọng trong giai đoạn này để giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Mỗi ngày bà bầu cần bổ sung axit folic với liều lượng khuyến cáo là 400mcg.
Trứng và rau cải bó xôi là 2 thực phẩm được khuyên nên ăn nhiều trong 3 tháng đầu mang thai vì nó có chứa nhiều choline. Ngoài ra 2 thực phẩm trên còn rất giàu olate, vitamin A và C, canxi, sắt, magiê, kali và vitamin B6. Đây là những chất cần thiết giúp thai nhi phát triển toàn diện.
Để đối phó với những cơn ốm nghén, bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Có thể dùng gừng/mứt gừng giúp giảm cảm giác buồn nôn.
- Vận động
Tập thiền, hít thở sẽ giúp phụ nữ mang thai thư giãn tinh thần đồng thời cũng giúp tăng cường oxy cho bào thai. Bên cạnh đó, các mẹ bầu có thể đi bộ nhẹ nhàng.
Lưu ý: trong 3 tháng đầu bào thai chưa ổn định, bà bầu không nên vận động mạnh hay làm việc quá sức vì có thể gây sảy thai.
- Khám thai khi nào?
Khi thai được 6 tuần tuổi, qua siêu âm bác sĩ có thể thấy nhịp đập của tim thai. Đặc biệt mẹ bầu nên đi khám thai lần đầu tiên từ sớm để bác sĩ kiểm tra thai đã bám vào tử cung hay chưa.
Khoảng tuần thai thứ 11-13 là thời điểm rất quan trọng mà các mẹ cần lưu ý. Đây là lúc tốt nhất để đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể – có khả năng gây dị tật cho thai nhi, cụ thể như: bệnh down, bệnh tim bẩm sinh, dị dạng tứ chi, thoát vị cơ hoành,…
- Lưu ý khi tiêm ngừa
Nhiều loại vắc xin mà phụ nữ ở tuổi sinh sản nên tiêm trước khi mang thai nhằm chủ động phòng bệnh cho bản thân và em bé, tốt nhất là hoàn tất trước khi mang thai 3 tháng. Khi mang thai, các vắc xin mà bà bầu cần tiêm ngừa đó là vắc xin uốn ván, vắc xin cúm bất hoạt, viêm gan B. Các mũi tiêm sẽ thực hiện từ 3 tháng giữa của thai kỳ.
2. Trong 3 tháng giữa
- Những vấn đề gặp phải
Trong 3 tháng giữa này, hầu hết các hiện tượng khó chịu như nghén, mệt mỏi… đều đã đi qua. Vì thế, đây là lúc mẹ bầu có thể tranh thủ đi du lịch, vui chơi, giải trí với các hoạt động phù hợp để tiếp thêm năng lượng cho thời gian tới và đừng quên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
- Chế độ dinh dưỡng
Thực đơn trong giai đoạn này nên đầy đủ các chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển toàn diện.
Phụ nữ mang thai cần chú ý bổ sung chất béo tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi như chất béo từ các loại hạt: đậu phộng, đậu nành, quả bơ, dầu oliu,… Bên cạnh việc đó, cần tăng cường rau xanh và trái cây để cải thiện tình trạng táo bón. Mẹ vẫn cần bổ sung axit folic liều 400 mcg mỗi ngày.
- Vận động
Trong ba tháng giữa thai kỳ, hầu hết các mẹ bầu đều gặp tình trạng đau lưng. Vì thế, nên tích cực vận động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập yoga kết hợp với các phương pháp massage cho bà bầu. Bơi lội cũng là môn thể thao được khuyến khích.
- Khám thai khi nào?
Nếu chưa kịp siêu âm tầm soát đo độ mờ da gáy từ 11 đến 13 tuần thì ở thời điểm thai được 14 – 17, thai phụ nên làm xét nghiệm Triple test giúp dự đoán nguy cơ bị Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai.
Tuần 21-24 là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng để khảo sát các dị tật thai nhi như: não úng thủy, giãn não thất, nứt đốt sống, dị tật tim bẩm sinh, sứt môi chẻ vòm, teo thực quản, hẹp tá tràng, thoát vị bẹn…
- Lưu ý khi tiêm ngừa
Trong giai đoạn này, thai phụ cần tiêm vắc xin ngừa uốn ván. Đây là vắc xin phòng bệnh cho mẹ và phòng uốn ván sơ sinh cho bé. Nếu mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm, mẹ cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh này. Lịch tiêm uốn ván:
- Mũi đầu tiên nên thực hiện trong 3 tháng giữa của thai kỳ.
- Mũi 2 sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước khi sinh tối thiểu 1 tháng.
3. Trong 3 tháng cuối
- Những vấn đề gặp phải
Trong 3 tháng cuối, cơ thể của mẹ bầu lúc này đã tăng cân nhiều (trung bình tăng 10 – 15kg) làm cho mẹ bầu cảm thấy nặng nề, chân có thể bị phù lên… Mặt khác, thai nhi phát triển khiến bụng nhô cao, chèn ép lên tim, phổi khiến bạn thường gặp tình trạng khó thở, hụt hơi.
- Chế độ dinh dưỡng
Trong giai đoạn “nước rút” này, bầu được khuyến cáo nạp khoảng 2000 kcal mỗi ngày. Dinh dưỡng đầy đủ trong 3 tháng cuối mang thai là điều rất quan trọng, bởi nó không chỉ cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi mà còn giúp tích trữ năng lượng để thai phụ có sức vượt cạn.
Mẹ bầu cần ăn đa dạng thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm thuộc nhóm protein – không chỉ cần thiết cho sự phát triển của thai nhi mà còn là dưỡng chất giúp hỗ trợ tiết sữa từ tuyến sữa của người mẹ. Protein có nhiều trong sữa bò, cá, thịt, sữa đậu nành, hạt dướng dương, hạt bí, hạnh nhân…
- Vận động
Càng gần đến ngày “vượt cạn”, thai phụ càng nên đều đặn thực hiện các bài tập cường độ nhẹ và nhịp độ chậm rãi để tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn nên đăng ký các lớp học tiền sản để học cách thở khi chuyển dạ, chuẩn bị tâm lý cho quá trình chuyển dạ được diễn ra suôn sẻ.
- Khám thai khi nào?
Từ tuần thai thứ 27 đến tuần thai thứ 35, bà bầu nên khám thai định kỳ 2 tuần 1 lần, từ tuần thai thứ 36 đến trước sinh, thai phụ nên khám thai định kỳ 1 tuần 1 lần.
Khoảng 30-33 tuần, bạn sẽ được chỉ định siêu âm màu theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn…
Một số nơi có thể chỉ định cho bà bầu làm Non-stress test nhằm kiểm tra sức khoẻ của bé và xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy đo tim thai và chuyển động của thai trong vòng 30 phút.
- Lưu ý khi tiêm ngừa
Mẹ bầu cần lưu ý, mũi vắc xin uốn ván cần tiêm trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
Nguồn: vnvc.vn