LỐI ĐI NÀO CHO TRẺ BIẾNG ĂN

Nguyễn Anh Tín
Th 6 17/06/2022

 Theo khảo sát của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, ở Việt Nam tỷ lệ trẻ em gặp tình trạng biếng ăn khá cao, đặc biệt ở trẻ từ 1 – 3 tuổi, tỉ lệ biếng ăn có thể lên đến 30 – 40%. Đây thực sự là con số đang báo động về tình trạng biếng ăn ở trẻ. Việc trẻ biếng ăn kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ: như ảnh hưởng về miễn dịch, phát triển thể chất: chiều cao, cân nặng, trí truệ, tinh thần… Các bậc cha mẹ đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu, có thể tham khảo áp dụng ngay giải pháp của chuyên gia –  “3 không - 4 cần” sau đây, giúp các bé hết biếng ăn, ngon miệng và bắt kịp đà tăng trưởng.

 

*Giải pháp “3 không”

+ Không ép trẻ ăn: Nhiều gia đình có suy nghĩ “ép ăn” để con mau lớn: ăn nhiều bữa, bao nhiêu cốc sữa, bao nhiêu bát cháo…., song việc làm đó chỉ khiến trẻ sẽ sợ hãi, ngày càng biếng ăn hơn. Ăn không hứng thú còn làm giảm tiết các enzyme tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng khiến trẻ còi cọc, biếng ăn, và tâm lý không tốt ở trẻ

+ Không cho trẻ ăn rong: Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, về khía cạnh nào đó, việc cho trẻ ăn rong có thể khiến trẻ ăn được nhiều hơn do bị cuốn hút vào những thứ xung quanh. Nhưng mặt tiêu cực của nó là trẻ sẽ ăn một cách thụ động, không có ý thức. Trẻ ăn nhưng sẽ không có cảm giác ngon miệng, không cảm nhận được hương vị món ăn một cách đầy đủ.

+ Không chiều trẻ ăn bằng mọi cách: Nhiều cha mẹ coi việc cho con ăn nhiều đồ ăn vặt như bánh, kẹo, xúc xích, bimbim, khoai tây chiên… là giải pháp hữu hiệu nhất vì nó có thể giúp trẻ “ấm bụng” hơn nếu lười ăn bữa chính. Tuy nhiên, theo phân tích dinh dưỡng: Đồ ăn vặt phần đa đều nguy hại cho sức khỏe do chứa quá nhiều đường, dầu mỡ chiên đi chiên lại, chất béo nhưng lại nghèo chất dinh dưỡng, làm ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển thể lực, trí lực của trẻ.

Bên cạnh đó trao giải thưởng khi trẻ ăn, hay mở tivi, điện thoại để trẻ ăn. Việc làm này trẻ ăn thêm được 1 chút nhưng ăn trong vô thức khiến con không tiết được enzyme tiêu hóa, giúp tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.

 

*Giải pháp “4 cần”

+ Cần thay đổi thói quen cho con ăn: Ta nên tập cho trẻ biếng ăn thói quen ăn uống khoa học, ăn đa dạng, cân đối giữa 04 nhóm chất dinh dưỡng (Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin – khoáng chất) và chia thành nhiều bữa nhỏ. Các bữa ăn nên diễn ra vào thời gian cố định và cách nhau khoảng thời gian hợp lý (có thể là 2 tiếng). Tập cho trẻ thói quen ăn đúng đội tuổi, trẻ cần ăn loãng tới thô dần theo tiến trình mọc răng từ 6 tháng đến 2 tuổi.

+ Cần tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn: Ta cũng cần tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong mỗi bữa ăn bằng cách cho trẻ ăn theo nhu cầu và ăn cùng gia đình. Đây không chỉ là cơ hội giúp trẻ quan sát, học cách ăn từ người lớn mà còn là bữa cơm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

+ Cần cải thiện vị giác cho trẻ: Thiếu vi chất nhất là Kẽm và Selen và Vitamin là nguyên nhân khiến trẻ “hời hợt” với thức ăn. Vì thế, để tăng cường chuyển hóa thức ăn và làm tăng cảm giác thèm ăn cho trẻ, mẹ cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý đến hương vị của món ăn, “biến tấu” bữa ăn của con thành những hình thù, nhiều màu sắc khiến trẻ hào hứng với thức ăn một cách không ngờ. Đồng thời tăng cường vận động cũng là hình hỗ trợ tiêu hóa cho bé tốt hơn.

+ Cần xử lý chứng biếng ăn đúng thời điểm, đủ thời gian: Việc ăn của một đứa trẻ như biểu đồ hình sin, có lúc trẻ ăn rất tốt nhưng sẽ có lúc trẻ biếng ăn thì đây là biểu hiện sinh lý bình thường và theo chuyên gia, trong trường hợp này trẻ biếng ăn 2,3 ngày thì không cần can thiệp điều trị, và cha mẹ chú ý không nên ép, trẻ không thích ăn thì dừng ngay, có thể cho con ăn những thức ăn con thích hoặc uống sữa. Tuy nhiên nếu biếng ăn kéo dài tới hàng tuần, hàng tháng dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng tạo ra “vòng xoắn biếng ăn” thì cần sử dụng các sản phẩm hỗ trợ giúp trẻ lấy vị giác, khẩu vị ngon miệng, và tăng cường tiêu hóa hấp thu tránh thiếu hụt dinh dưỡng và chuyển sang biếng ăn kéo dài. Khi điều trị biếng ăn cho trẻ cần lưu ý duy trì đủ liều lượng theo hướng dẫn đủ thời gian theo tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Nguồn: Tổng hợp

Viết bình luận của bạn